Từ đầu năm tới nay, mặc dù cá tra xuất khẩu tăng về lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2010 nhưng hiện tại người nuôi cá tra cũng như doanh nghiệp (DN) xuất khẩu đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức như chi phí đầu vào tăng cao, nguyên liệu khan hiếm cùng với những thông tin bôi nhọ về chất lượng cá tra ở nhiều thị trường…
Đối mặt với thách thức mới
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, quý I năm 2011, Việt Nam xuất khẩu 153.062 tấn cá tra với kim ngạch 376,430 triệu USD, tăng 21,6% về giá trị trong khi khối lượng chỉ tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2010. Nhưng đây không phải là yếu tố thuận lợi để các DN mở rộng thị trường xuất khẩu mà trái lại, đã xuất hiện nhiều thách thức mới bởi người nuôi cá tra ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang thiếu vốn, giá thức ăn tăng chóng mặt, chất lượng giống chưa bảo đảm, tỉ lệ nhiễm bệnh cao… Hiện giá cá tra nguyên liệu tăng từ 28.000 đồng/kg đến 29.000 đồng/kg, cao nhất từ trước tới nay. Việc giá cá tra tăng cao khiến cho việc thu mua nguyên liệu để chế biến xuất khẩu của các DN gặp khó khăn, nhiều DN phải hoạt động cầm chừng. Dự kiến sản lượng nguyên liệu năm 2011 đạt 800.000 tấn nhưng từ nay đến cuối năm chỉ đạt 500.000 tấn cho xuất khẩu. Hiện giá xuất khẩu tăng bình quân 2,54 USD/kg, tăng 20% so với giá của năm 2010, nhưng không bù đắp được tốc độ tăng giá của nguyên liệu và lãi suất vay ngân hàng (tăng từ 14% lên trên 20%/năm).
Chưa kể việc Quỹ Tổ chức bảo vệ thiên nhiên (WWF) tại các nước EU: Đức, Áo, Thụy Sĩ, Bỉ, Đan Mạch, Na Uy đưa cá tra vào danh sách đỏ (các sản phẩm được khuyến cáo không nên sử dụng) trong cẩm nang hướng dẫn tiêu dùng năm 2010-2011 tại các nước này. Việt Nam đã đấu tranh quyết liệt để minh oan cho cá tra nhưng sự việc không được ngừng lại cho nhu cầu tiêu thụ cá tra tại khu vực Bắc Âu giảm nghiêm trọng, đặc biệt là tại thị trường Đức. Điều này đã gây ảnh hưởng lớn đến sản lượng xuất khẩu cá tra của Việt Nam trong mấy tháng đầu năm. Hiện nay, ở thị trường Mỹ, cá tra Việt Nam có thể lại gặp trở ngại khá lớn khi thời điểm thực hiện Đạo luật Farm Bill đang cận kề, bởi trong đạo luật có điều khoản quy định phải định nghĩa cá da trơn (catfish) và có thể cá tra của Việt Nam sẽ được đưa vào danh sách cá da trơn mới. Theo VASEP, nếu điều khoản này được thi hành, việc xuất khẩu cá tra Việt Nam vào thị trường Mỹ sẽ đóng lại. Hiện, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đang lấy ý kiến của cộng đồng về dự thảo luật này, với thời hạn trước ngày 24-6-2011, đạo luật này sẽ được thông qua. VASEP cho rằng, đây chính là thời điểm nóng bỏng mà người dân cũng như DN sản xuất và chế biến cá tra Việt Nam đang phải đối mặt. Từ nhiều năm nay, vụ kiện chống bán phá giá cá tra Việt Nam tại Mỹ vẫn chưa có hồi kết, gây khó khăn lớn cho việc xuất khẩu.
Ổn định vùng nguyên liệu
Để từng bước tháo gỡ khó khăn trong xuất khẩu cá tra của Việt Nam, phấn đấu đạt mục tiêu năm 2011 xuất khẩu 360.000 tấn, thu về khoảng 1 tỉ USD, VASEP cho rằng, việc đầu tiên là phải ổn định vùng nguyên liệu phục vụ cho xuất khẩu. Các DN cần chủ động xây dựng vùng nguyên liệu phù hợp với khả năng tài chính của mình thông qua các hình thức tự nuôi, liên kết với người nuôi, tiến tới chủ động được 30% nguyên liệu. Trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng mạnh như hiện nay, các DN cần tiết kiệm, chống lãng phí trong quá trình sản xuất để hạ giá thành. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, VASEP khuyến nghị, các sản phẩm khi xuất khẩu phải thống nhất về tên gọi, ghi nhãn mác đầy đủ; các DN cần tuân thủ nghiêm ngặt những quy định về sử dụng các loại hóa chất khi nuôi và chế biến, nếu DN nào làm sai sẽ tự đào thải trong quá trình kinh doanh. Nhà nước nên tạo mọi điều kiện cho DN xuất khẩu cá tra vay vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi để mở rộng sản xuất cũng như thu mua nguyên liệu. Ngoài ra, để các DN ổn định sản xuất, VASEP đã thống nhất nâng giá sàn xuất khẩu cá tra từ nay đến cuối năm 2011 là 3,2 USD/kg.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lương Lê Phương cho rằng, để đưa cá tra thoát khỏi số phận long đong như hiện nay, người nuôi và DN cần nâng cao chất lượng sản phẩm, kiểm soát chặt chẽ các khâu, từ chất lượng con giống, thức ăn, đến giám sát môi trường nước… Hiện Bộ NN&PTNT đang trình Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Quỹ Phát triển xuất khẩu cá tra. Quỹ hoạt động trên nguyên tắc đồng thuận và tự nguyện của cộng đồng DN chế biến, xuất khẩu cá tra, với mức đóng góp 0,01 USD/kg cá tra xuất khẩu, riêng thị trường Mỹ là 0,02 USD/kg. Mục tiêu là nhằm đấu tranh chống lại các rào cản thương mại từ các nước nhập khẩu; xây dựng và phát triển thương hiệu cá tra Việt Nam, nhất là ở thị trường Mỹ và châu Âu. Điều này sẽ tạo ra hình ảnh tốt về con cá tra và khẳng định đây là sản phẩm an toàn với người tiêu dùng vì tuân thủ tốt các quy định về chất lượng và được kiểm soát chặt chẽ về môi trường.